Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, hiện đường sắt Việt Nam có thể vận tải liên vận quốc tế quá cảnh Trung Quốc đến Trung Á, châu Âu.
Cụ thể, về hạ tầng, đường sắt Việt Nam kết nối với đường sắt Trung Quốc qua 2 cửa khẩu đường sắt: Đồng Đăng và Lào Cai.
Tại cửa khẩu Lào Cai, đường sắt Việt Nam kết nối ray với đường sắt khổ 1000mm Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai (Việt Nam) - Sơn Yêu (Trung Quốc). Qua cửa khẩu này, hàng trên tàu khổ 1.000mm từ Việt Nam vào trong nội địa Trung Quốc có thể sang toa trên tàu khổ 1435mm tại ga Hà Khẩu Bắc để hòa mạng đường sắt Trung Quốc. Tàu không sang toa có thể đi tiếp trên tuyến đường sắt khổ 1000mm còn lại duy nhất của Trung Quốc, tuy nhiên xa nhất chỉ đến Khai Viễn (tỉnh Vân Nam).
Qua cửa khẩu Lào Cai - Sơn Yêu, hàng hóa từ Việt Nam và từ nước thứ ba qua cảng Hải Phòng quá cảnh Việt Nam sang Trung Quốc có thể thông qua đường sắt 1435mm vận chuyển đến các địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía tây Trung Quốc; Hoặc thông qua đường sắt 1000mm đến các địa phương miền núi phía nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và ngược lại.
Trên tuyến này hiện đường sắt Việt Nam đang vận chuyển từ Trung Quốc nhập về gồm nguyên vật liệu phục vụ các nhà máy sản xuất phân bón như DAP, amoni… và mặt hàng lưu huỳnh quá cảnh cảng Hải Phòng xuất sang Trung Quốc với sản lượng tương đối lớn.
Tại cửa khẩu Đồng Đăng, đường sắt Việt Nam kết nối ray với đường sắt khổ 1435mm Trung Quốc qua cửa khẩu Đồng Đăng (Việt Nam) - Bằng Tường (Trung Quốc).
Qua cửa khẩu này, hàng hóa từ Việt Nam có thể vận chuyển bằng đường sắt đến các địa phương của Trung Quốc, quá cảnh Trung Quốc đến các nước châu Âu và Trung Á và ngược lại.
Thông tin cụ thể về tuyến vận tải hàng hóa này, ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) - đơn vị đảm nhiệm vận tải liên vận quốc tế Á - Âu cho biết, hàng từ các địa phương theo tàu tập kết về các ga Đông Anh, Yên Viên, sau đó sẽ lập đoàn tàu sang Trung Quốc, từ Trung Quốc lại đi tiếp sang các nước Trung Á và châu Âu.
Đến nay, đường sắt Việt Nam đã thực hiện vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam xuất sang các nước như Mông Cổ, Kazakhstan, Uzbekistan, Nga, Tajikistan, Ba Lan, Anh, Đức… Các mặt hàng gồm hàng điện tử, hàng dệt may, giầy da, hóa mỹ phẩm, hàng thực phẩm đông lạnh, trái cây… Hàng nhập, chủ yếu từ Nga, Trung Quốc, trong đó từ Nga là sữa, thực phẩm, mỹ phẩm…
Ông Thanh cũng cho biết, ngoài hình thức vận chuyển truyền thống đường sắt - đường sắt sang các nước, đường sắt Việt Nam còn nhận vận chuyển đa phương thức: đường sắt - đường bộ, đường sắt - đường biển. Ví dụ: vận chuyển hàng từ TP. Hồ Chí Minh đi Liên Vân cảng (Trung Quốc) bằng đường biển, từ đây hàng đi đến Kazakhstan và đi tiếp Trung Á đều bằng đường sắt. Hoặc vận chuyển từ TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng đi sang Quảng Châu (Trung Quốc) bằng đường biển, sau đó đi tiếp bằng đường sắt…
Với tất cả các phương thức vận chuyển này, đường sắt đều nhận thực hiện dịch vụ trọn gói, từ kho đến kho, bao gồm cả vận chuyển hai đầu, khai báo hải quan, chuyển tải qua các ga biên giới, giám sát vận chuyển, nhận - giao hàng đến tận kho…
Về vận chuyển hành khách liên vận quốc tế, Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, từ Việt Nam, hành khách có thể sang Trung Quốc và ngược lại trên các mác tàu: Tàu khách quốc tế Hà Nội (Gia Lâm) - Nam Ninh chạy 1 đôi tàu hàng ngày; Tàu khách liên vận quốc tế Hà Nội (Gia Lâm) - Bắc Kinh.
Tuy nhiên, khách đi Bắc Kinh sẽ trên 1 toa nằm mềm nối vào tàu khách quốc tế Hà Nội (Gia Lâm) - Nam Ninh, tần suất 1 tuần 2 chuyến. Tàu đến ga Nam Ninh, hành khách sẽ chuyển sang tàu cao tốc Z5/6 Nam Ninh - Bắc Kinh Tây để đến Bắc Kinh.
Tại Bắc Kinh, hành khách có thể tiếp tục đi đến các ga hành khách liên vận quốc tế của các đường sắt Mông Cổ, Triều Tiên, Nga bằng các chuyến tàu khách liên vận quốc tế xuất phát từ Bắc Kinh. Vé các chuyến tàu này mua tại Trung Quốc, chưa mua được từ Việt Nam.
Hiện do dịch Covid-19, các tàu khách liên vận quốc tế từ Việt Nam này đã tạm dừng hoạt động từ tháng 2/2020, nhưng các đoàn tàu hàng liên vận quốc tế đang được đẩy mạnh.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn